Thác Bản Giốc có tên trong danh sách 21 thác nước đẹp nhất thế giới năm 2024 do tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Travel+Leisure bình chọn.
Thác Bản Giốc xếp thứ 17, là đại diện duy nhất của Việt Nam vào danh sách được công bố hồi giữa tháng 5.
Nằm trên đường biên giới Việt – Trung, thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây được xem là nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tựa chốn tiên cảnh. Với độ cao hơn 60 m, phần dốc dài nhất 30 m, thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác nước nằm trên đường biên giới lớn thứ tư thế giới.

Sông Quây Sơn khi chảy vào địa phận Việt Nam len lỏi qua đồi núi đá vôi, các thửa ruộng bậc thang, bản làng dân tộc Tày, Nùng tại Ngọc Côn, Phong Nậm (ảnh), sau đó đổ dòng tạo nên thác Bản Giốc.

Mùa này, nước dòng Quây Sơn có màu ngọc bích trong tiết trời vào thu. Trên mặt sông, hơi nước hình thành một khoảng sương mù, khi soi rọi dưới ánh nắng mang đến khung cảnh huyền ảo.

Nhìn từ góc thấp, các dòng thác như dải lụa làm say lòng nhiều khách tham quan và các nhiếp ảnh gia đến sáng tác. Tháng 9, 10 là thời gian lý tưởng khám phá thác Bản Giốc, khi nước nhiều mà trong xanh, các dòng thác tuôn chảy tung bọt trắng xóa.

Mùa lúa chín bên thác Bản Giốc.

Tại thác, du khách có thể thuê bè tre của người dân để tham quan xung quanh, với giá khoảng 50.000 đồng một người.

Thác Bản Giốc trong một đêm đầy sao.

Dải ngân hà trên thác Bản Giốc.
Lễ hội du lịch thác Bản Giốc vừa diễn ra trong hai ngày 5 và 6/10. Chương trình có các hoạt động như Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc tại khu vực chân thác (tối 5/10); Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (sáng 6/10); trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật, đặc sản, văn hóa ẩm thực của địa phương…

Sông Quây Sơn khi chảy vào địa phận Việt Nam len lỏi qua đồi núi đá vôi, các thửa ruộng bậc thang, bản làng dân tộc Tày, Nùng tại Ngọc Côn, Phong Nậm (ảnh), sau đó đổ dòng tạo nên thác Bản Giốc.
Những địa điểm vui chơi gần thác Bản Giốc
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao – hang động có vẻ đẹp kỳ thú này ẩn mình trong một ngọn núi hùng vỹ ở xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Do được phát hiện muộn và đưa vào du lịch chưa lâu nên hang động này vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo.

Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen là một hồ nước ngọt thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, nước xanh màu ngọc bích quanh năm mà hồ Thang Hen còn thu hút khách du lịch bởi những truyền thuyết dân gian gắn liền với nó.

Suối Lenin – hang Pác Pó
Nằm trong quần thể khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt Pác Bó, suối Lê Nin mà một trong số những cái tên nổi bật thu hút được đông đảo khách du lịch thập phương. Chỉ cách thành phố Cao Bằng khoảng 55km về phía Bắc, suối Lê Nin thuộc địa phận bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm thác Bản Giốc
Ngôi chùa đầu tiên được xây dựng nơi biên cương phía Bắc tổ quốc. Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống của Việt Nam. Từ trên chùa có thể nhìn bao quát được toàn bộ thác Bản Giốc và một vùng không gian vô cùng rộng lớn phía bên dưới.

Ăn gì khi du lịch thác Bản Giốc
Vịt quay 7 vị
Vịt quay 7 vị Cao Bằng được ví như gia vị khiến cho chuyến đi của bạn trở nên hoàn hảo. Món ăn này bạn nên thưởng thức cùng xôi nếp nương, như vậy sẽ cảm nhận trọn vẹn hơn hương vị của núi rừng.

Bánh Khảo
Bánh khảo là một trong những đặc sản Cao Bằng nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Mỗi dịp xuân về, bánh Khảo không thể thiếu được trên bàn thờ cúng tổ tiên.

Bánh Chè Lam
Bánh làm bằng bột nếp rang, lạc rang, gừng và mạch nha. Khi thưởng thức mới cảm nhận được vị dẻo của bột nếp, vị ngọt ngoài của mật và chút cay của gừng, bùi bùi của lạc.

Xôi trám Cao Bằng
Khi tiết trời sang thu, người dân Tày – Nùng lại lên rừng hái quả trám để về làm xôi trám. Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người dân Cao Bằng nơi đây.
