– Làng nổi Tân Lập và Cánh đồng bất tận tại Long An đang trở thành điểm đến hấp dẫn giới trẻ với rừng tràm bạt ngàn, hoa súng tím biếc và trải nghiệm bắt cá, “tắm rừng” độc đáo.
Mùa nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, mang theo phù sa phủ lên những cánh đồng “lớp áo mới”. Thời điểm này, hoa sen, hoa súng trên các con kênh rạch nở rộ. Đây cũng là thời điểm thích hợp để du khách ghé thăm Long An – cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
” CHÈO THUYỀN, BẮT CÁ Ở LÀNG NỔI TÂN LẬP”
Làng nổi Tân Lập là một trong những điểm đến không thể bỏ qua ở Long An. Tọa lạc tại huyện Mộc Hóa, nơi đây là điểm hẹn lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên, muốn “chữa lành” nhưng không muốn mất nhiều thời gian di chuyển vì chỉ cách TPHCM khoảng 100km (hơn 2 giờ lái xe).
Làng nổi Tân Lập có diện tích gần 135ha, nằm giữa trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, được bao phủ bởi những cánh rừng tràm bạt ngàn. Điều khiến làng nổi Tân Lập được nhiều du khách phải lòng chính là thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, trong lành và yên tĩnh.
Đến Làng nổi Tân Lập, du khách có thể trải nghiệm chèo xuồng ba lá xuyên qua rừng tràm, tiến sâu vào những con kênh nhỏ uốn lượn có thảm cỏ xanh mướt, cây cối và hoa lá bao phủ hai bên.
Cùng với dòng nước trong xanh và nắng vàng xuyên qua kẽ lá, hình ảnh những chiếc xuồng xuôi theo dòng nước tạo nên bức tranh thiên nhiên ấn tượng.
Một hoạt động khác cũng được du khách yêu thích không kém khi đến Làng nổi Tân Lập, chính là đi dạo trên con đường dài 5km xuyên qua rừng tràm.
Con đường mòn xuyên rừng này có chiều rộng khoảng 1m, uốn lượn qua từng khóm tràm cao vút, tạo thành một hành lang xanh mướt. Mặt đất mềm mại, hơi ẩm từ sương sớm khiến du khách có cảm giác như đang lướt trên một lớp thảm tự nhiên.
“Đắm mình giữa cây cỏ, lắng nghe tiếng chim, tôi thấy tâm hồn bình yên đến lạ”, chị Ngọc Nhi (quận Bình Tân, TPHCM) chia sẻ.
Làng Nổi Tân Lập không chỉ là điểm du lịch sinh thái mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, đánh bắt thủy sản và làm du lịch sinh thái.
Chèo xuồng ba lá đưa du khách lách vào những con rạch, chị Lê Thị Thặng – Đội trưởng bến xuồng tại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập – cho biết du khách đến làng nổi Tân Lập đa phần là những người muốn trở về với thiên nhiên, muốn trải nghiệm lối sống dân dã ở miền quê.
“Làng nổi Tân Lập ngoài cảnh quan, còn có hoạt động dỡ lợp, giăng lưới và tát ao bắt cá. Các đoàn du lịch rất thích những hoạt động này, vì càng đông người tham gia càng vui”, chị nói.
Sau khi trải nghiệm hoạt động thường ngày của người nông dân, du khách còn được thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của vùng sông nước miền Tây như cá lóc nướng cuộn lá sen non, lẩu bông điên điển, lẩu mắm…
Ẩm thực ở Làng Nổi Tân Lập được xem là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá vùng đất này. Những món ăn đậm đà hương vị miền Tây, được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon, làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Đặc biệt, khi thưởng thức những món ăn này trong không gian yên bình, bên cạnh những con kênh rạch thơ mộng, du khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện giữa thiên nhiên, ẩm thực và văn hóa của miền sông nước.
Thời gian gần đây, Làng nổi Tân Lập còn có thêm hoạt động chèo thuyền Kayak trên hồ Bán Nguyệt. Mặt hồ xanh ngắt, phẳng lặng, “hớp hồn” du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhiều bạn trẻ ngay khi vừa đặt chân đến đây, reo lên thích thú vì “quá lý tưởng để… sống ảo”.
Để có trải nghiệm tốt nhất tại Làng nổi Tân Lập, du khách nên lựa chọn trang phục thoải mái, dễ di chuyển để thuận tiện đi qua cầu tràm, ngồi xuồng ba lá, chèo thuyền Kayak…
THĂM “CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN” VÀ TRẢI NGHIỆM “TẮM RỪNG”
Cách Làng nổi Tân Lập khoảng 13km, khu du lịch Cánh đồng bất tận cũng là một điểm đến hấp dẫn mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến Long An.
Nơi đây không chỉ nổi tiếng vì vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn được biết đến vì là bối cảnh của phim điện ảnh Cánh đồng bất tận – tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Đặc trưng của khu du lịch này là không gian bao la, rộng lớn với những cánh đồng cỏ bàng bạt ngàn. Mùa nước nổi, cánh đồng ngập nước, phản chiếu ánh sáng. Các con kênh rạch trong khu du lịch cũng nhờ đó khoác lên mình chiếc áo mới.
chị Nguyễn Đặng Thị Ngọc Hân – nhân viên điều hành du lịch tại khu du lịch Cánh đồng bất tận – cho biết, khu du lịch này đẹp nhất vào mùa nước nổi. Nước lên, hoa súng mới phát triển rực rỡ, phủ tím hai bên bờ kênh.
“Buổi sáng là thời điểm đẹp nhất để du khách đi ngắm hoa súng. Ngồi trên xuồng máy, lướt dọc các con kênh và đắm mình trong mênh mông hoa súng là trải nghiệm khiến nhiều người thích thú”, chị nói.
Ông Bùi Đắc Thắng – Giám đốc Khu du lịch Cánh đồng bất tận – cho biết nơi đây vốn là Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, đã tồn tại hơn 40 năm.
Năm 2009, khu sinh thái này được chọn làm bối cảnh của phim Cánh đồng bất tận, nhưng đến năm 2017 nơi này mới khai thác và phục vụ du lịch.
“Tại đây, chúng tôi bảo tồn và phát triển dược liệu với gần 1.000 ha rừng tràm gió nguyên sinh có tuổi thọ lên đến trăm tuổi. Không chỉ vậy, đây còn là điểm sinh trưởng và bảo tồn của hơn 80 loại gen của những loại thảo dược quý hiếm”, ông Thắng nói.
Ông cho biết, với tiềm năng vốn có, Cánh đồng bất tận được phát triển du lịch trên nền tảng du lịch sinh thái và chăm sóc sức khỏe dựa trên cây dược liệu. Tại đây có các hoạt động thu hút du khách như liệu pháp “tắm rừng”, ngâm chân dược liệu, pha chế tinh dầu… Trong đó, “tắm rừng” là liệu pháp vừa lạ mà vừa quen.
“Chúng ta đi bộ, chèo thuyền hay đạp xe trong rừng dược liệu, đó chính là “tắm rừng”. Khi đó, hợp chất hữu cơ của cây rừng thấm vào cơ thể của chúng ta qua lỗ chân lông, giúp cơ thể con người khỏe hơn, tăng sức đề kháng, thải độc, giảm căng thẳng”, ông Thắng lý giải.
Chị Phương Thảo – du khách đến từ Bình Dương – đã có 2 ngày 1 đêm tham quan khu du lịch Cánh đồng bất tận. Chị được chèo thuyền ngắm bông súng về đêm, “tắm rừng” dược liệu và tắm hồ Bán Nguyệt.
“Khi đi bộ trong rừng, không khí trong lành khiến tôi thấy thoải mái, mùi bạch đàn chanh, tràm gió thoang thoảng trong rừng khiến tôi cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn, cơ thể khỏe khoắn hơn”, chị Thảo cho hay.