Cô Tô là huyện đảo ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 80 km. Cô Tô có gần 50 đảo nhỏ, trong đó khách du lịch chủ yếu khám phá cụm đảo Cô Tô, Cô Tô Con và Thanh Lân.
Cô Tô mùa nào đẹp
Thời điểm du lịch Cô Tô đẹp nhất là mùa hè và thu. Tháng 4 và tháng 5 lý tưởng nhất vì trời không có bão, không mưa, nắng chưa nóng. Tháng 6 và 7 phù hợp để du lịch hè nhưng thường xuyên có bão. Tháng 9 và tháng 10 cảnh đẹp nhưng trời bắt đầu lạnh, mưa nhiều hơn – điểm cộng là giá cả không đắt đỏ như mùa cao điểm.
Dù đi mùa nào, bạn nên theo dõi dự báo thời tiết trước khi khởi hành, để tránh trường hợp bị mắc kẹt dài ngày vì tàu thuyền bị cấm ra khơi khi có bão. Nếu bão bất ngờ đổ bộ khi bạn đang ở Cô Tô, hãy thực hiện theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng địa phương, hoặc hướng dẫn viên du lịch trong trường hợp đi theo đoàn. Hãy ở trong khách sạn hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, chỉ tiếp tục hành trình khi bão tan. Nên mang theo nhiều tiền hơn kinh phí dự tính.
Di chuyển
Để tới đảo Cô Tô, du khách sẽ phải đi theo 2 chặng:
Chặng 1: Tới cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh
Du khách từ miền Nam hoặc miền Trung sẽ đáp chuyến bay ra Hà Nội hoặc Hải Phòng, Quảng Ninh rồi đi đường bộ tới cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn.
Nếu không tự lái ôtô hoặc xe máy từ Hà Nội, bạn có thể đi xe limousine, xe khách đến Cửa Ông, Cẩm Phả tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát. Giá khoảng 150.000 đồng đến 200.000 một lượt. Thời gian di chuyển gần 4 tiếng.
Xuất phát từ Hải Phòng, thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng 30 phút. Giá xe limousine khoảng 150.000 đồng một lượt, xe khách khoảng 120.000 đồng một lượt.
Chặng 2: Từ cảng Cái Rồng đi tàu ra đảo Cô Tô
Hiện có 3 loại tàu là tàu cao tốc, tàu gỗ và tàu tăng cường. Du khách thường đi tàu cao tốc và tàu gỗ.
Tàu cao tốc: Thời gian di chuyển hơn một tiếng, giá vé tham khảo 250.000 đồng một lượt. Các hãng tàu gồm: Ka Long, Phúc Thịnh, Cô Tô 68, Tàu Cô Tô 01, Havaco, Nguyên Việt, Quang Minh, Mạnh Quang, Hải Vinh 89, Hoàng Quân. Giờ xuất phát từ 6h đến 17h30.
Tàu gỗ: Thời gian di chuyển gần ba tiếng, giá vé tham khảo 95.000 đồng một lượt. Giờ xuất phát chiều Vân Đồn – Cô Tô là 7h, chiều về 13h, cứ đủ khách là chạy.
Đi lại trên đảo
Khách tham quan đảo có thể di chuyển bằng xe điện, xe máy, xe đạp (thuê tại các khách sạn và nhà nghỉ) hoặc xe ôm, taxi.
Giá tham khảo: xe điện 7 chỗ trọn gói 1.200.000 đồng một ngày; xe máy 200.000 đồng một ngày chưa gồm xăng; xe đạp 30.000 – 50.000 đồng một giờ.
Chơi đâu
Biển
Điểm hấp dẫn nhất ở Cô Tô là những bãi biển dài, bờ cát trắng mịn và làn nước trong vắt. Trên đảo Cô Tô lớn có các bãi tắm đẹp như Vàn Chảy, Tình Yêu (còn gọi là bãi Tàu Đắm), Hồng Vàn, Bắc Vàn.
Đảo Cô Tô Con có bãi Nam và bãi Đông. Để ra đảo Cô Tô Con, khách du lịch đi tàu từ cảng Bắc Vàn (cách thị trấn khoảng 7km), thời gian ra đảo khoảng 30 đến 45 phút tùy thời tiết.
Không chỉ là nơi lý tưởng để tắm, bãi biển Hồng Vàn, Nam Hải, Vàn Chảy… là những địa điểm đẹp để ngắm bình minh và hoàng hôn. Tối đến, bạn có thể mở BBQ trên bãi biển.
Nếu đủ khéo tay, hãy dậy sớm đi chợ, mua hải sản như mực, ngao, sò… để tối đến mang ra biển nướng. Không có điều kiện tự chuẩn bị, bạn có thể lựa chọn các gói dịch vụ BBQ sẵn có của một số công ty du lịch chuyên cung cấp dịch vụ này để có một bữa tối lãng mạn, rượu vang và hải sản.
Đảo Thanh Lân, cách đảo Cô Tô lớn khoảng 2 km đường biển. Xã đảo này rộng 27 km², có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng an ninh biển đảo. Thanh Lân sở hữu nhiều bãi biển hoang sơ rộng khắp quanh đảo như bãi biển Trung Tâm, bãi Vụng Ba Châu, C76, Hải Quân… Các bãi đá trầm tích có từ hàng ngàn năm với nhiều hình thù khác nhau tạo nên sự kì vĩ cho cảnh quan. Những cánh rừng nguyên sinh trên đảo còn nguyên vẹn.
Đảo
Ngoài những đảo lớn quen thuộc, du khách có thể thuê tàu thuyền tham quan những đảo nhỏ như hòn Bát Hương, hòn Cá Chép, hòn Khe Trâu, đảo Trần, hòn Ba Đục, hòn Con Chuột, hòn Sư Tử…
Bãi đá Móng Rồng
Bãi đá Móng Rồng (hay còn gọi là Cầu Mỵ) có hệ thống đá trầm tích được bào mòn qua hàng vạn năm bởi nước biển. Bãi đá tự nhiên đầy màu sắc này thuộc khu 4, thị trấn Cô Tô trên đảo Cô Tô. Bãi đá rộng hơn 40 ha, trải dài khoảng 2 km.
Theo tài liệu cổ, bãi đá ban đầu có tên Cầu Thủ Mỵ, dần người dân quen gọi là Cầu Mỵ. Đến năm 2015, bãi được đổi tên là Móng Rồng bởi hình thù của những tảng đá vươn ra biển gợi nhớ đến móng vuốt của rồng.
Ngoài check-in ngắm cảnh, du khách còn có thể câu cá, lặn biển ngắm san hô trong ngày lặng gió. Ghé bãi đá vào mùa rêu, bạn sẽ có những bức ảnh màu sắc ảo diệu hơn.
Hải đăng Cô Tô
Nằm trên đồi cao hơn 100 m, hải đăng Cô Tô được xem là một trong những ngọn đèn biển có tầm nhìn đẹp nhất Việt Nam. Leo lên 72 bậc thang xoáy chôn ốc lên đỉnh ngọn đèn, bạn sẽ thu vào tầm mắt toàn bộ hòn đảo xinh đẹp giữa một vùng trời biển bao la, tàu thuyền ra vào tấp nập…
Nếu có dịp, khách tham quan cũng có thể trò chuyện với những người gác đèn biển để hiểu thêm về nhiệm vụ, cuộc sống của họ…
Du khách được lưu ý đi chân trần lên bậc thang – do cầu thang là nơi hứng nước mưa sạch để dự trữ của những người gác đèn.
Con đường tình yêu
Con đường dài hơn 2 km được lát gạch đỏ, men theo bờ biển là điểm check-in lãng mạn trên đảo Cô Tô. Được mệnh danh là con đường tình yêu, lối đi có hai bên là bóng mát của hàng phi lao xanh, vi vu theo gió biển, gần kề là sóng xô bờ cát, nắng vàng len lỏi qua những tán lá… Du khách sẽ có cảm giác như thấy hình ảnh quen thuộc này trên bộ phim truyền hình Hàn Quốc lãng mạn nào đó.